5/5 - (8 bình chọn)

“E-A-T” đã trở thành một yếu tố bắt buộc để đưa website lên top bền vững trên Google (đặc biệt là với ngành y dược, nên thuật toán cập nhật vào tháng 8/2018 có 1 tên gọi là Google Medic khiến một loạt các website thuộc YMYL sụt giảm nghiêm trọng về traffic và thứ hạng).

1. E-A-T là gì?

E-A-T là một tiêu chuẩn về đánh giá chất lượng nội dung của Google viết tắt của Expertise (Chuyên môn), Authoritativeness (Thẩm quyền) và Trustworthiness (Độ tin cậy). Những trang càng chất lượng sẽ càng có mức độ E-A-T cao và ngược lại.

E-A-T được nhấn mạnh là đặc biệt quan trọng trong việc xác định 1 website hay nội dung trên trang có hữu ích với người đọc hay không. E-A-T được nhắc tới hơn 155 lần trong bộ hướng dẫn đánh giá chất lượng các kết quả tìm kiếm của Google (Google Quality Rater Guidelines),

eat seo 1 1 - SEO tổng thể website

Để hiểu rõ E-A-T, ta cần làm rõ từng tiêu chí của nó:

1.1. Expertise (Chuyên môn)

Chuyên môn nghĩa là có kiến ​​thức hoặc kỹ năng cao trong một lĩnh vực cụ thể. Kiến thức ở đây được nhận định chủ yếu xoay quanh phần nội dung chứ không phải thông qua website hay toàn bộ tổ chức.

Nghĩa là người viết ra nội dung nên là chuyên gia có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực hoặc chủ đề đó. Đây cũng là điều mà Google thường kiểm tra.

Đối với các chủ đề YMYL, như tư vấn y tế, tài chính hoặc pháp lý, đòi hỏi chuyên môn chính quy, bằng cấp và trình độ học vấn của người tạo nội dung.

Đối với các chủ đề không phải YMYL, người viết chỉ cần thể kinh nghiệm và quan điểm sống của cá nhân mình.

Trong một số trường hợp hoặc vấn đề liên quan đến YMYL, Google lại cho rằng kinh nghiệm sống thường ngày cần thiết hơn là kiến thức chuyên môn.

Vì vậy nếu nội dung về y dược được viết bởi 1 sinh viên tài chính là không có tính chuyên gia, một nội dung về luật được viết bởi 1 nhân viên SEO đơn thuần cũng vậy.

1.2. Authoritativeness (Thẩm quyền)

Thẩm quyền là các vấn đề về danh tiếng, đặc biệt là giữa các chuyên gia và những người có tầm ảnh hưởng khác trong ngành.

Hiểu một cách đơn giản như này, nếu website của bạn là nguồn thông tin truy cập đầu tiên mà người dùng ghé thăm khi đang tìm kiếm một chủ đề nào đó thì khi ấy, với Google, trang web của bạn có thẩm quyền cao.

Để đánh giá tính thẩm quyền của 1 website, người ta thường tìm hiểu xem người dùng thực, cũng như các chuyên gia, nghĩ gì về website ấy qua các dữ liệu như: reviews, tài liệu tham khảo, khuyến nghị của các chuyên gia, các bài báo và thông tin đáng tin cậy khác do các cá nhân tạo/viết về trang web.

Wikipedia là một nguồn thông tin tốt mà Google luôn đề cập đến.

Tuy nhiên, thẩm quyền là một khái niệm mang tính tương đối. Có một số trường hợp người và trang web nào đó chỉ có thẩm quyền duy nhất khi nói đến một số chủ đề nhất định

Chẳng hạn như: Nguồn có thẩm quyền nhất ghi chép lời nhạc cho các bài hát của Coldplay là trang web chính thức của họ. Và nguồn thông tin có thẩm quyền nhất cho các loại thịt bò ở Mỹ là USDA.

1.3. Trustworthiness (Độ tin cậy)

Độ tin cậy là khái niệm liên quan đến tính hợp pháp, minh bạch và chính xác của trang web cùng nội dung bên trong nó.

Người đánh giá chất lượng website thường đánh giá mức độ đáng tin cậy của 1 trang web dựa  vào việc liệu trang web đó có nêu rõ ai là người chịu trách nhiệm về nội dung được xuất bản hay không.

Điều này đặc biệt quan trọng đối với các truy vấn YMYL và cả các truy vấn không phải YMYL. Đặc biệt với riêng các website YMYL yêu cầu mức độ tin cậy cao, vì vậy họ thường cần thông tin thỏa mãn về người chịu trách nhiệm cho phần nội dung của trang web.

Cung cấp đầy đủ thông tin liên hệ cũng rất quan trọng, đặc biệt là đối với các website YMYL và cửa hàng trực tuyến.

Bên cạnh đó, người đánh giá cũng tính đến độ chính xác của nội dung đăng tải trên trang, nhất là đối với các bài báo và trang thông tin, MC chất lượng cao phải chính xác về mặt thực tế đối với chủ đề đang được nhắc tới và phải được sự đồng thuận của chuyên gia trong ngành

Cuối cùng, để tăng thêm tính thuyết phục, hãy nhớ trích dẫn các nguồn đáng tin cậy là một phần của điều này.

Một bài báo với lượng thông tin chính xác thỏa mãn nhu cầu người đọc và các tài liệu tham khảo bên ngoài đáng tin cậy thường có thể chiếm được xếp hạng cao.

Độ tin cậy cũng giống như tính thẩm quyền, là một khái niệm tương đối vì mọi người và trang web không thể được coi là đáng tin cậy trong mọi lĩnh vực.

2. YMYL là gì?

YMYL là viết tắt của “Your Money or Your Life”. Đây là những trang web có khả năng tác động đến sức khỏe, tài chính, sự an toàn, cảm xúc của người dùng thông qua việc cung cấp thông tin về y tế, pháp luật hoặc tư vấn tài chính

Về bản chất, E-A-T cao là yếu tố cần thiết cho mọi loại website, tuy nhiên với tính chất đặc thù về nội dung của 1 số ngành ảnh hưởng trực tiếp đến sự hạnh phúc, sức khỏe và tài chính của người dùng thì tiêu chuẩn này cần được áp dụng nghiêm ngặt hơn hẳn.

Google đã phân loại những website đó là YMYL – Your Money Your Life (Tiền của bạn hoặc Cuộc sống của bạn), nghĩa là những trang chuyên môn và có tính ảnh hưởng đến hạnh phúc, sức khỏe, sự ổn định tài chính hoặc an toàn trong tương lai của con người.

eat - SEO tổng thể website

Định nghĩa “E.A.T” và “Y.M.Y.L” của Google

Vậy những ngành nào sẽ thuộc YMYL:

  • Y dược và các trang về sức khỏe: Những trang này tư vấn hoặc đưa ra những thông tin trực tiếp về vấn đề sức khỏe của người dùng (thuốc, bệnh lý, bệnh viện nào tốt, v.v).
  • Các trang luật, tin tức chính phủ: Bao gồm các thông tin, kiến thức về các vấn đề pháp lý (ly hôn, quyền nuôi con, tạo di chúc, v.v).
  • Tài chính: Tư vấn tài chính, hoặc thông tin về đầu tư, thuế, vay mượn, ngân hàng, bảo hiểm hoặc những trang web cho phép mọi người mua hàng hoặc chuyển tiền trực tuyến.
  • Giáo dục: Những trang web bán khóa học, đưa ra thông tin tuyển sinh (đại học, cao đẳng, v.v).
  • Trang mua sắm: Đa số các trang web cho phép mua hàng trực tuyến đều cần áp dụng tiêu chuẩn này.
  • Tin tức: Các tin tức về các chủ đề quan trọng như sự kiện quốc tế, kinh doanh, chính trị, khoa học, công nghệ, .v.v tuy nhiên những trang web như tin tức thể thao, giải trí lại không phải.
  • Khác: Rất nhiều ngành khác như thiết kế nội thất, thông tin nhà ở, tìm việc làm cũng đều thuộc nhóm này vì đều có ảnh hưởng lớn đến túi tiền và sự hạnh phúc của bạn. Đặc biệt những ngành như cần tiêu tốn 1 khoản tiền lớn để sử dụng dịch vụ như thiết kế nội thất hay bất động sản cũng cần phải theo tiêu chuẩn này.

3. Tại sao E-A-T lại quan trọng đối với SEO?

E-A-T là cách để Google đánh giá chất lượng, giá trị của một trang. Theo lý thuyết, một trang có “E-A-T cao” sẽ đạt thứ hạng cao hơn trang có “E-A-T thấp”, nên bạn cần nhìn nhận EAT như một chỉ số so sánh khi Google đánh giá bạn và đối thủ trên SERP. Google từng khẳng định trải nghiệm người dùng có tốt thì thứ hạng của trang mới cao được. Vì thế, E-A-T là yếu tố không thể bỏ qua.

Người dùng có trải nghiệm tốt hay không sẽ dựa vào việc nội dung có đáp ứng và thỏa mãn chính xác nhu cầu của họ hay không. Nếu người dùng hài lòng, đồng ý chia sẻ và giới thiệu nội dung thì sẽ giúp thúc đẩy E-A-T của website lên cao hơn.

Theo như những gì Google từng tuyên bố, E-A-T không được đo lường chính xác dưới một chỉ số nào, và Google cũng không có cách nào biết được một nội dung có chính xác hay không.

Tuy nhiên, Google sẽ đánh giá vô số các tín hiệu khác nhau để xác định 1 website có E-A-T cao hay thấp, nội dung trên trang có đúng hay không, từ đó xếp hạng website của bạn trên kết quả tìm kiếm.

e a t ranking factor danny sullivan - SEO tổng thể website

Nếu đã đọc Search Quality Evaluator Guidelines của Google, bạn cũng sẽ thấy ngoài các yếu tố về mục đích trang, chất lượng nội dung trên trang, danh tiếng thương hiệu,… thì E-A-T là một yếu tố bắt buộc để Google xác định trang của bạn có chất lượng cao, thấp hay trung bình.

Vậy nên nếu tới tận giờ mà bạn vẫn còn trông mong rằng không tối ưu E-A-T, không chú trọng vào chất lượng content, SEO mà chỉ tập trung đi link, thì sớm muộn bạn cũng sẽ bị loại khỏi cuộc đua lên top Google.

Vì thế, nếu trang web của bạn được xây dựng xoay quanh chủ đề YMYL, thì việc chứng minh E-A-T là rất quan trọng.

4. Nguyên tắc để website đạt E-A-T cao

Hãy nhớ rằng E-A-T là yếu tố cần thiết cho tất cả các loại trang và website, không chỉ YMYL mà thậm chí là các trang web trò chuyện tán gẫu, trang web thời trang, trang hài giải trí, diễn đàn và trang Hỏi & Đáp, v.v.

Để đảm bảo chất lượng E-A-T ở mức cao nhất, lời khuyên mà Google đưa ra cho các chủ website trong Google Quality Rater Guidelines là:

  • Các trang web về y tế: Nên được viết hoặc kiểm duyệt bởi những người/tổ chức y tế sở hữu chuyên môn phù hợp hoặc đã được công nhận. Về phong cách xuất bản nội dung, cần đảm bảo phong cách chuyên nghiệp và được chỉnh sửa, xem xét, cập nhật thường xuyên.
  • Các trang báo tin tức: Nên được tạo ra với tính chuyên nghiệp trong báo chí, đồng thời được trình bày theo cách giúp người đọc hiểu rõ hơn về các tin tức, sự kiện. Những trang tin tức được đánh giá E-A-T cao thường có các chính sách biên tập và quy trình đánh giá nghiêm ngặt, chặt chẽ trước khi xuất bản.
  • Các trang web về chủ đề khoa học: Nên được tạo ra bởi những người hoặc tổ chức có chuyên môn khoa học phù hợp, đồng thời có cơ sở rõ ràng về những kiến thức chia sẻ.
  • Các trang web tư vấn tài chính, pháp lý, thuế,…: Phải đến từ các nguồn đáng tin cậy và được cập nhật thường xuyên.
  • Các trang tư vấn về tu sửa nhà cửa (có thể tốn hàng ngàn đô la và ảnh hưởng trực tiếp đến hoàn cảnh sống của người tiêu dùng) hoặc lời khuyên về các vấn đề nuôi dạy con cái (có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình trong tương lai) cũng nên đến từ các chuyên gia hay các nguồn tin cậy mà người dùng có thể tin tưởng.
  • Các trang chia sẻ về sở thích, chẳng hạn như chụp ảnh hoặc chơi guitar, cũng đòi hỏi phải đến từ người có chuyên môn thực sự.

Bên cạnh đó thì cũng có một số chủ đề đòi hỏi chuyên môn ít chính thức hơn.

Ví dụ như các review đánh giá về sản phẩm/nhà hàng, chia sẻ lời khuyên và kinh nghiệm sống trên các diễn đàn, blog, v.v… Những “reviewer” này có thể coi là chuyên gia trong các chủ đề mà họ đã có trải nghiệm nhất định.

Chỉ cần người viết thường xuyên tạo ra nội dung gây ấn tượng (cho cả người dùng và Google) rằng họ có đủ kinh nghiệm để trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực này, Google sẽ đánh giá cao “kiến thức chuyên môn hàng ngày” mà họ chia sẻ và không phạt người/trang/website không được đào tạo “chính thức” trong lĩnh vực đó.

Điều này thậm chí có thể áp dụng với các website YMYL.

Ví dụ, hiện nay vẫn có rất nhiều diễn đàn, trang web hỗ trợ những người mắc một căn bệnh cụ thể nào đó. Chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trên các diễn đàn này là một hình thức truyền tải chuyên môn mà không bị Google đánh giá là “kém chất lượng”.

chia se ung thu gan - SEO tổng thể website

Diễn đàn chia sẻ về ung thư gan

Như trong hình ảnh trên, những người tham gia diễn đàn sẽ chia sẻ rằng người thân của họ đã/đang sống với căn bệnh ung thư gan như thế nào. Đây là ví dụ về việc chia sẻ kinh nghiệm cá nhân (nơi họ là chuyên gia), mà không phải là tư vấn y tế.

Còn các thông tin và lời khuyên y tế cụ thể (thay vì mô tả về kinh nghiệm sống) vẫn cần đến từ các bác sĩ hoặc các chuyên gia y tế khác.

Vậy nên nếu bạn đang sở hữu một website, việc bạn cần làm ngay lúc này là xác định lại:

  • Trang web của bạn đang nói về vấn đề gì?
  • Bạn cần những chuyên gia nào để đảm bộ độ “trust” của thông tin, từ đó được người dùng và Google tin tưởng?

Làm tốt được điều này là bạn đã nắm chắc trong tay một trong các yếu tố quan trọng nhất để leo lên top đầu kết quả tìm kiếm Google.

5. E-A-T có phải là 1 yếu tố xếp hạng không?

Vậy E-A-T có phải là 1 yếu tố để xếp hạng website hay không? Để một thứ gì đó trở thành “yếu tố xếp hạng”, nó phải là thứ hữu hình mà máy tính có thể hiểu và đánh giá được.

Có lẽ ví dụ rõ nhất về điều này là số lượng các backlinks đến một trang.

Cụ thể, Google thu thập dữ liệu website trên phạm vi rộng để nắm được có bao nhiêu backlinks trỏ đến hầu hết các trang. Sau đó, họ tạo một chương trình máy tính nhằm xếp hạng các trang có nhiều backlinks lượng cao nhất.

Vấn đề E-A-T là mặc dù tính chuyên môn, thẩm quyền và độ tin cậy là 3 yếu tố cần thiết nhất cho phần nội dung nhưng về cơ bản chúng vẫn là những khái niệm thuộc về nhận thức con người.

Bạn không thể yêu cầu máy tính rank các trang có E-A-T cao hơn vì nó chỉ hiểu các bit và byte.

Đây là cách Google giải quyết vấn đề này:

Đầu tiên, các kỹ sư tìm kiếm nên nghĩ ra cách điều chỉnh thuật toán đề có thể cải thiện chất lượng kết quả tìm kiếm.

Sau đó, họ gửi kết quả tìm kiếm đó cho những người có thẩm quyền đánh giá chất lượng website để những người này xem xét và feedback lại với Google.

Cuối cùng, Google dùng phần feedback đó để quyết định liệu các điều chỉnh về thuật toán được đề xuất tác động tích cực hay tiêu cực đến kết quả tìm kiếm. Nếu kết quả là tích cực, thay đổi được thực hiện.

Sử dụng quy trình này, kỹ sư của Google có thể hiểu được các tín hiệu hữu hình phù hợp với  E-A-T và điều chỉnh các thuật toán xếp hạng cho phù hợp với những yếu tố ấy.

6. Có thang điểm nào dành riêng cho E-A-T không?

KHÔNG! Google không có bất kỳ thang điểm nào để tính E-A-T của website đâu.

Hẳn là sẽ chẳng có gì bất ngờ với câu trả lời này nếu bạn đã hiểu cách Google đánh giá E-A-T và vai trò của Người đánh giá chất lượng website.

Cũng bởi vì không có 1 thang đo nhất định nên bạn có thể thoải mái nâng cao chuyên môn, thẩm quyền và độ tin cậy của website trong mắt Người đánh giá chất lượng.

7. Cách tạo ra nội dung mà Google muốn

Ở phần trên tôi cùng bạn đã tìm hiểu về E-A-T và YMYL nhưng bạn không thể chứng minh E-A-T của website nếu bạn không có nó – và đây chính là rào cản đầu tiên cần vượt qua.

Sau đây là cách tạo ra nội dung mà Google muốn khi áp dụng E-A-T trong SEO

7.1. Tạo profile tác giả cho bài viết

Tiêu chí ảnh hưởng: Expertise – Tính chuyên gia

Profile tác giả là một tín hiệu cho Google thấy nội dung của bạn được thực hiện hoặc nhận được tham vấn chuyên môn của những chuyên gia trong ngành.

Hãy tạo 1 profile hoàn chỉnh của tác giả bài viết bao gồm ít nhất những nội dung sau: Giới thiệu sơ bộ, chức vụ, bằng cấp, kinh nghiệm làm việc, thành tựu đạt được (nếu có).

tac gia bai viet 1 - SEO tổng thể website

7.2. Tạo profile Social cho tác giả

Tiêu chí ảnh hưởng: Expertise – Tính chuyên gia, Authoritativeness – Tính thẩm quyền của tác giả

Nếu chỉ tính riêng profile của tác giả trên website, vẫn là một tín hiệu chưa đủ mạnh để cho thấy tính chuyên gia của tác giả.

Hãy lập các tài khoản profile social cho tác giả trên nhiều mạng xã hội khác nhau. Một số mạng xã hội rất phù hợp để làm việc này có thể kể đến như: Facebook, Linkedin, Twitter, Pinterest, Medium,…

Tuy nhiên lập vẫn chưa đủ, doanh nghiệp cần chia sẻ bài viết ở những mạng xã hội trên.

Hơn nữa, hãy đảm bảo trên trang profile tác giả có link đến các trang social này.

Một số trang hiệu quả để tạo profile social cho doanh nghiệp như:

  • Twitter
  • Facebook
  • Linkedin
  • Medium
  • Blogger.com
  • Behance
  • Tumblr.com
  • Myspace
  • Pinterest
  • About.me
  • Reddit
  • Diigo

7.3. Tạo profile công ty trên website

Tiêu chí ảnh hưởng: Trustworthiness – Độ tin cậy của website

Doanh nghiệp cần có một trang giới thiệu công ty chuyên nghiệp, chứng minh được sự uy tín với người đọc. Nội dung trong trang giới thiệu phải giúp người đọc hiểu:

  • Bạn là ai?
  • Bạn đang kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ gì?
  • Được thành lập từ bao giờ
  • Thành tựu đạt được
  • Mục tiêu, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp (nếu có)

7.4. Tạo mục thông tin liên hệ

Tiêu chí ảnh hưởng: Trustworthiness – Độ tin cậy của website

Đa số khách hàng có nhu cầu sử dụng dịch vụ sản phẩm (nhất là đối với những trang dịch vụ hoặc không buôn bán online) sẽ có hành vi tìm đến trang liên hệ.

Thế nên, liên hệ là một trang phải có, không chỉ để chứng minh sự uy tín của site mà còn hỗ trợ cho khách hàng tiềm năng sử dụng dịch vụ của doanh nghiệp mình.

Một trang liên hệ cần tìm thấy được:

  • Số điện thoại
  • Email doanh nghiệp
  • Địa chỉ liên hệ (hãy list tất cả các chi nhánh)
  • Mạng xã hội đang hoạt động

Ngoài ra, hãy để thông tin liên hệ ở bất cứ nơi nào thuận tiện tìm kiếm với người dùng như ở đầu trang hoặc ở dưới chân trang.

7.5. Tạo profile công ty trên social

Tiêu chí ảnh hưởng: Authoritativeness – Tính thẩm quyền của website

Tương tự như với profile social cho tác giả, bản thân doanh nghiệp cũng cần hiện diện trên các mạng xã hội.

 7.6. Profile social lâu đời

Tiêu chí ảnh hưởng: Authoritativeness – Tính thẩm quyền của website và tác giả

Đây sẽ là 1 điểm cộng cho các tài khoản social của công ty, và tác giả.

Nếu tuổi đời của các profile này càng lớn và doanh nghiệp thường xuyên chia sẻ bài viết cũng như có các hoạt động truyền thông trên đó thì các tài khoản trên của doanh nghiệp sẽ đáng tín hơn rất nhiều.

Tiêu chí ảnh hưởng: Authoritativeness – Tính thẩm quyền của website và tác giả

Các tài khoản social và profile cần phải có sự liên kết với nhau. Mỗi 1 mạng xã hội sẽ đóng vai trò như 1 “backlink” để cải thiện tính thẩm quyền của website.

Mỗi 1 mạng xã hội sẽ có cách thứ khác nhau cho công việc này nên doanh nghiệp cần lưu ý.

 7.8. Trang thông tin dịch vụ khách hàng

Tiêu chí ảnh hưởng: Trustworthiness – Độ tin cậy của website

1 website bán sản phẩm, dịch vụ chuyên nghiệp không thể thiếu những trang này. Thông thường những trang thông tin dịch vụ sẽ gồm có những trang sau:

  • Quy chế hoạt động
  • Hướng dẫn mua hàng
  • Chính sách đổi trả
  • Chính sách giao nhận vận chuyển

Những trang trên góp phần đảm bảo sự uy tín cho website.

7.9. Thông tin người chịu trách nhiệm chính, đặt dưới chân website

Tiêu chí ảnh hưởng: Trustworthiness – Độ tin cậy của website

Một yếu tố nhỏ và dễ thực hiện, góp phần tăng tính chuyên nghiệp và uy tín cho website của bạn.

Các thông tin về doanh nghiệp chủ quản, nhà nhập khẩu, phân phối sẽ giúp phần tăng độ uy tín cho website

7.10 Tạo bài viết về doanh nghiệp trên trang Wikipedia

Tiêu chí ảnh hưởng: Trustworthiness – Độ tin cậy của website

Người đánh giá chất lượng website thường được yêu cầu xem xét kỹ lưỡng trong Wikipedia để đánh giá danh tiếng một doanh nghiệp nào đó thông qua các thông tin như: giải thưởng, thành tích, thậm chí là “phốt” hoặc vấn đề họ đang gặp phải.

Tuy nhiên, có một sự thật là việc xuất hiện được trên trang Wikipedia không hề dễ dàng, trừ khi bạn đã là một cơ quan có thẩm quyền trong ngành của mình, có nghĩa là có mức độ bao phủ đáng kể trong các nguồn thông tin độc lập và đáng tin cậy.

Ngay cả một website phổ biến như Ahrefs còn không thể cập nhật thông tin trên Wikipedia

wikipedia - SEO tổng thể website
Ahrefs không thể cập nhật thông tin trên Wikipedia

Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy doanh nghiệp của mình đã có đủ thẩm quyền để bảo đảm một trang Wikipedia và bạn chưa có trang đó, thì chắc chắn bạn nên thử tạo lập xem sao.

7.11. Nội dung không copy, spin

Tiêu chí ảnh hưởng: Authoritativeness – Tính thẩm quyền của nội dung chính

Trùng lặp nội dung là một điều tối kỵ trong khi làm SEO. Đây là một phương pháp làm SEO không bền vững.

Dù nhiều ngành có nội dung cần tính chính xác tuyệt đối như y dược, luật khó có thể sáng tạo nội dung khác. Nhưng bạn vẫn có thể làm content của mình khác biệt bằng cách thêm: hình ảnh, video, ý kiến chuyên gia,… v.v hoặc nhờ chuyên gia viết theo kiến thức chuyên môn của mình và được edit lại bởi đội content.

7.12. Thường xuyên cập nhật nội dung mới

Tiêu chí ảnh hưởng: Trustworthiness – Độ tin cậy của website và nội dung chính

Nếu bạn chuyên viết về các chủ đề YMYL như lời khuyên về y tế hoặc tài chính, thì việc thường xuyên cập nhật nội dung mới là rất quan trọng để cải thiện E-A-T.

Những lời khuyên về tài chính, pháp lý, tư vấn thuế,… đạt mức E-A-T cao cũng đồng nghĩa với việc đó đều là các nguồn thông tin đáng tin cậy cần được duy trì và cập nhật thường xuyên.

Còn với các website không thuộc lĩnh vực YMYL thì sao?

Những người có thẩm quyền đánh giá website của Google không nói cụ thể về những trang này, nhưng tôi tin rằng, bất kỳ website nào cũng cần cập nhật nội dung mới mỗi ngày.

Suy cho cùng, không có website nào dễ dàng đánh lừa được người đọc rằng chúng đáng tin cậy chỉ bằng những thông tin lỗi thời.

7.13. Kiểm tra tính xác thực của thông tin bài viết

Trong phần tài liệu Nguyên tắc đánh giá chất lượng của Google có viết:

Các thông tin được cung cấp trong 1 bài báo phải chính xác về mặt thực tế để chứng minh mức độ E-A-T cao.

Tương tự đối với nội dung khóa học, kiến thức phải chính xác về mặt thực tế và nhận được sự đồng thuận từ giới chuyên môn trong cộng đồng.

Còn đối với các chủ đề khác thì sao?

Lại một lần nữa, QRG không nói thêm về độ chính xác trong ngữ cảnh của E-A-T, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng đây là yếu tố cần phải có vì tài liệu đã đề cập đến vấn đề này hơn 50 lần

Vì vậy, theo tôi, bạn cứ kiểm tra tính xác thực của thông tin trước khi đăng bài dựa trên các nguồn uy tín như Wikipedia và Wikidata.

Bạn cũng nên đảm bảo rằng bạn nguồn tin bạn trích dẫn trong bài viết đều hợp pháp.

7.14. Hãy sử dụng HTTPs – Chứng chỉ SSL

Tiêu chí ảnh hưởng: Trustworthiness – Độ tin cậy của website

Bạn không nên quá ngạc nhiên rằng khi Google rất thích các trang web đáng tin cậy và được chứng nhận.

Điều này là do người dùng có thể được đảm bảo rằng các trang web sẽ mã hóa thông tin của họ cho rằng mức độ bảo mật thêm.

Khi một trang web có được một chứng chỉ, thì nó được chứng nhận là một trang web đáng tin cậy. Khi trình duyệt của bạn nhận ra một trang web an toàn, nó sử dụng thông tin trong chứng chỉ để xác minh rằng trang web. Khi bạn đã hiểu được sự khác nhau giữa HTTP và HTTPS thì hãy nên mua chứng chỉ này.

Với thông báo mà tôi đã nói ở phần đầu, Google hiện đang sử dụng HTTPS làm tín hiệu xếp hạng. Nó là khá rõ ràng từ phân tích dữ liệu mà các trang web HTTPS có một lợi thế xếp hạng hơn http-URL vì vậy chuyển đổi này bây giờ sẽ có lợi rất là nhiều cho bạn.

Google tuyên bố rằng các trang web sử dụng HTTPS sẽ có một tín hiệu xếp hạng nhỏ vì những khía cạnh bảo mật này.

Tuy nhiên, các trang web HTTPS sẽ chỉ có nhận được một yếu tố và là “tín hiệu rất nhẹ” trong thuật toán xếp hạng tổng thể, mang ít trọng lượng hơn các tín hiệu khác như nội dung chất lượng cao.

7.15. Hãy tăng thời gian Time on site cho website

Tiêu chí ảnh hưởng: Trustworthiness – Độ tin cậy của website và nội dung chính, Authoritativeness – Tính thẩm quyền của nội dung chính

Thời gian trên trang cao cũng là một yếu tố chứng tỏ nội dung của bạn thu hút người đọc. Đây sẽ là 1 hệ quả tất yếu nếu nội dung của bạn giải quyết được đúng nhu cầu của người đọc và mạng lại giá trị cho họ.

Những nội dung giá trị cao trong các nhóm ngành YMYL thường chỉ có thể đạt được khi có yếu tố chuyên gia trong đó.

Tuy nhiên tùy vào trang, loại bài viết, độ dài của bài viết mà time on site tốt được xác định khác nhau.

7.16. Tạo đánh giá tích cực từ Google Map

Tiêu chí ảnh hưởng: Authoritativeness – Tính thẩm quyền của website

Có nhiều review tốt về doanh nghiệp từ các nguồn khác nhau sẽ cải thiện tính thẩm quyền của cho nội dung và website của doanh nghiệp 1 cách đáng kể.

Tại Việt Nam, khi các chuyên trang review dịch vụ chưa phổ biến như thế giới thì Google Map là kênh hiệu quả để có thể lấy được những đánh giá tích cực cho doanh nghiệp.

cong ty tamnguyen - SEO tổng thể website

7.17. Nhận reviews tích cực từ các website uy tín

Google yêu cầu Người xếp hạng chất lượng website sử dụng các bài reviews trực tuyến như một nguồn thông tin để xem xét mức độ tin cậy và thẩm quyền của doanh nghiệp.

Rất nhiều người không thích điều này và thường cố gắng đơn giản hóa mọi thứ bằng cách tập trung vào một trang web đánh giá cụ thể. Tuy nhiên, việc làm này lại không mấy hiệu quả.

Thay vào đó, hãy tập trung vào việc nhận được nhiều reviews trực tuyến tích cực hơn trên toàn bộ các website uy tín – tức là các trang web mà mọi người sử dụng và tin tưởng trong ngành của bạn

Ví dụ, đối với một nhà hàng, bạn có thể thu thập reviews từ trang TripAdvisor hoặc thậm chí là một blog về ẩm thực địa phương nổi tiếng.

7.18. Thuê chuyên gia trong ngành

Các chuyên gia trong ngành luôn có sẵn và thậm chí rất nhiều, vậy tại sao không thuê họ viết cho trang web của bạn? nhất là với các website viết về chủ đề YMYL, việc này lại càng là yếu tố bắt buộc.

Ngược lại, với các website không thuộc YMYL, điều này không cần thiết. Thay vào đó, bạn có thể thuê những người có thành tích đã được chứng minh trong ngành hoặc những người đã nổi tiếng về việc tạo nội dung chất lượng cao về chủ đề của trang.

Trong trường hợp không đủ khả năng để thuê người, bạn có thể chọn cách phỏng vấn một chuyên gia nào đó hoặc nhờ họ viết bài guest post cho trang web.

Nên nhớ, mục đích của việc này là chứng minh kiến thức chuyên môn, quyền hạn và sự đáng tin cậy của bạn đối với Google. Đừng phóng đại hoặc thêu dệt sự thật.

Bạn cũng có thể xem xét sử dụng schema markup để cung cấp thông tin về thành tích và kiến thức chuyên môn theo cấu trúc sau:

<script type="application/ld+json">
{
  "@context":"http://www.schema.org",
  "@type":"Person",
  "name":"Mark Zuckerberg",
  "alumniOf":[
    {
      "@type":"CollegeOrUniversity",
      "name":"Harvard University",
      "sameAs":"https://en.wikipedia.org/wiki/Harvard_University"
    }
  ]
}
</script>

8. Mối liên hệ giữa E-A-T và nội dung

Để thỏa mãn tiêu chí EAT, nội dung trên trang của bạn phải đạt chất lượng cao: được viết dựa trên kiến thức chuyên môn, có độ thẩm quyền và đáng tin cậy. Vậy bản thân một nội dung chất lượng cao sẽ trông như thế nào?

8.1. Thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm của người dùng

Nội dung bạn đưa ra phải trùng khớp với truy vấn từ người dùng để họ có thể “hạ cánh” trên trang của bạn. Guideline chính thức gần đây có liệt kê thêm phần “Needs Met”, chỉ ra các cấp độ thỏa mãn mục tiêu tìm kiếm của người dùng. Nên nhớ rằng nội dung của bạn không nhất thiết chỉ đơn thuần là đưa ra thông tin. Google còn liệt kê thêm một vài mục tiêu khác của trang:

  • Chia sẻ thông tin về một chủ đề
  • Chia sẻ thông tin cá nhân hoặc xã hội
  • Chia sẻ hình ảnh, video và các định dạng media khác
  • Bày tỏ quan điểm
  • Giải trí
  • Bán sản phẩm, dịch vụ
  • Cho phép người dùng đặt câu hỏi để những người dùng khác trả lời
  • Cho phép người dùng chia sẻ file hoặc tải phần mềm

Làm thế nào để giúp người dùng đạt được thứ họ muốn nhằm đem lại trải nghiệm tốt nhất có thể? Hãy nghĩ về mục tiêu tìm kiếm của người dùng khi vào trang bạn và lí do tồn tại của trang. Điều bạn cần làm vào khai thác sâu các phân tích và xác định những truy vấn cụ thể nào mà người dùng gõ để “chạm” đến được những trang có traffic cao của bạn.

8.2. Chất lượng nội dung

Theo guideline từ Google, những trang đạt chất lượng cao sẽ có các đặc tính sau:

  • Có “EAT cao”
  • Thỏa mãn yêu cầu về khối lượng main content chất lượng cao, bao gồm title khiến dễ hình dung và hữu ích cho người dùng
  • Thỏa mãn thông tin về website hoặc thông tin về người chịu trách nhiệm website đó (ví dụ trang về shopping hoặc giao dịch tài chính thì phải có thông tin về dịch vụ khách hàng)
  • Danh tiếng của website chịu trách nhiệm main content phải được đảm bảo

Ngược lại, những trang đạt chất lượng thấp sẽ có các đặc tính sau:

  • Có “EAT thấp”
  • Chất lượng main content thấp
  • Khối lượng main content đáp ứng mục tiêu của trang không đạt
  • Title của main content bị phóng đại, gây sốc
  • Quảng cáo hoặc nội dung bổ trợ làm ảnh hưởng đến main content
  • Thông tin về website hoặc thông tin tác giả của main content không đầy đủ
  • Trang web hoặc tác giả dính “phốt” về mặt tiếng tăm

Nhìn chung, để trang đạt chất lượng tốt nhất, hãy tự hỏi chính bạn những câu sau:

  • Nội dung có đem lại giá trị cho người đọc không? Hãy tránh những content “mỏng” không đem lại lợi ích gì.
  • Nội dung có chỉn chu chưa? Hãy đảm bảo không bị lỗi đánh máy, sắp xếp câu từ…
  • Tác giả có phải chuyên gia trong lĩnh vực đó không?
  • Bản thân nội dung có độ thẩm quyền và đáng tin cậy không? Hãy đảm bảo thông tin đúng sự thật và thường xuyên cập nhật thông tin mới nếu cần thiết.
  • Số chữ trung bình của một trang kết quả lọt vào trang nhất của Google là 1.890 chữ. Vì thế, nội dung càng dài đôi khi sẽ càng tốt.
  • Dẫn link tới các trang authority để tăng độ tin cậy và minh bạch đối với độc giả.
  • Tận dụng hình ảnh, video, alt text…
  • Tạo cơ hội cho độc giả tương tác, ví dụ như khuyến khích bình luận, để lại review…
  • Tự hỏi chính mình “Liệu có ai muốn chia sẻ bài viết này không?”
  • Tốc độ tải trang của bạn đã nhanh chưa?
  • Nếu trang của bạn chưa bảo mật, hãy cài đặt SSL
  • Trang của bạn đã thân thiện với phiên bản mobile chưa?

Không chỉ thế, nhất định bạn không được để mắc phải các lỗi như nhồi nhét từ khóa bất hợp lý, trang có nhiều bình luận spam, có nhiều trang quá cũ với nội dung không còn phù hợp, thông tin thiếu chính xác, nội dung trùng lặp, nội dung cẩu thả…

8.3. Nội dung bổ sung

Hầu hết các trang đều có nội dung mà Google gọi là supplementary content (nội dung bổ sung, phụ trợ) như link điều hướng, hình ảnh, link dẫn các bài viết liên quan… xoay quanh main content của bạn. Guideline nêu rằng nội dung phụ trợ “có thể giúp trang đạt mục đích hiệu quả hơn nhưng cũng có thể khiến trải nghiệm người dùng giảm đáng kể”. Vì thế, hãy chắc chắn rằng nội dung bổ trợ của bạn sẽ giúp người dùng đạt mục tiêu tìm kiếm ban đầu của họ.

8.4. Đặt nội dung đúng vị trí

Dù nội dung của bạn là một trang giới thiệu sản phẩm, bài báo hoặc video thì người dùng cũng không vào trang chỉ để xem bức hình đầu trang, widget hay mẩu quảng cáo. Guideline từ Google nhấn mạnh rằng phần nội dung chính (còn gọi là main content) phải là phần tiêu điểm của trang, tức trang phải được tối ưu sao cho thân thiện để thỏa mãn trải nghiệm tổng quan của người dùng. Cụ thể hơn, nội dụng đó phải được nằm ở vùng trọng tâm và giảm thiểu sự hiện diện của những quảng cáo khác.

5/5 - (8 bình chọn)

Nguyễn Văn Thiệu

"Hơn 13 năm chuyên tâm nghiên cứu trong lĩnh vực thiết kế trang web, Marketing cho website trên mạng internet, Chúng tôi thấu hiểu mọi vấn đề khi doanh nghiệp cần phát triển website trên mạng và có giải pháp giúp trang web của Quý khách phát triển toàn diện và bền vững."